Sai lầm khi cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1

2025-01-17 19:15:34

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Công (Giảng viên Tâm lý học – ĐH Nguyễn Huệ - Đồng Nai), nhiều phụ huynh ngộ nhận trẻ từ 3 - 4 tuổi đã đọc được, làm toán được thì sau này phát triển rất tốt.

Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên môn thì trừ một số trường hợp ngoại lệ “không học mà biết” còn lại trẻ đều được tiếp cận giáo dục bằng cách này hoặc cách khác, gián tiếp hay trực tiếp. Những đứa trẻ trước tuổi học có thể đọc viết, làm toán thành thạo cũng là do sự phát triển sớm của các tế bào thần kinh và cũng chỉ đạt đến một giới hạn nhất định.

Nhiều phụ huynh sai lầm khi cho con học trước 1 tuổi. (Ảnh minh họa: Giáo dục Thời Đại)

Thực tế ở nước ta, một số trường hợp trên dưới 3 tuổi đã biết đọc nhưng sau khi đi học cũng chỉ học bình thường như các bạn cùng tuổi. Trẻ chưa đến tuổi học chữ (dưới 6 tuổi) chưa có tâm lý sẵn sàng để viết và học chữ. Vì thế, nếu học trước thì thời gian và công sức dành cho việc luyện chữ phải nhiều hơn so với đứa trẻ đúng tuổi. Khi trẻ biết trước kiến thức, vào học chính thức trẻ dễ chủ quan không suy nghĩ động não. Không ít học sinh hình thành tâm lý ỷ lại, tự ti, không còn hứng thú với chuyện học, vì vậy thời gian sau đó số học sinh này thường có kết quả thấp và ít có chiều hướng phấn đấu.

Theo Giáo dục Thời đại, khoa học tâm lý khẳng định: Tuổi mẫu giáo hoạt động vui chơi là chủ đạo, mà không phải là học tập. Với sự phát triển và đang hoàn thiện những chức năng sinh học cũng như khả năng tham gia khám phá thế giới xung quanh thì thông qua vui chơi để hình hình những nét tâm lý mới, là cơ sở, tiền đề của hoạt động học tập trong những năm vào tiểu học.

Sự phát triển mạnh mẽ của cơ thể, các quá trình nhận thức, xúc cảm, tình cảm… cho phép trẻ chỉ phù hợp với sự lĩnh hội một cách căn bản, làm quen với thế giới bên ngoài đơn giản nhất mà chỉ thông qua hoạt động vui chơi mang lại chứ không phải hoạt động học tập. Hoạt động về mặt chủ đạo sẽ luôn quyết định những nét tâm lý đặc trưng nhất của lứa tuổi HS mẫu giáo. Nếu như hoạt động chủ đạo được diễn ra tốt đẹp thì kéo theo sự phát triển tâm lý của trẻ cũng đúng hướng, thuận lợi và ngược lại.

Điều quan trọng và cần thiết hơn đối với cả trẻ lẫn cha mẹ là hãy chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ để sẵn sàng bước vào lớp một thật thoải mái và an toàn. Gia đình hãy giúp trẻ làm quen với môi trường mới và tạo hứng thú cho trẻ khi nghĩ đến việc học, để mỗi ngày đến trường với trẻ thật sự là một ngày vui, trẻ háo hức đến trường sẽ tiếp thu bài hiệu quả hơn.

Còn theo Chuyên viên tham vấn tâm lý, Thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy chia sẻ trên VnExpress, 4-5 tuổi là giai đoạn trẻ có nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới xung quanh… Trẻ chưa đủ trưởng thành để ngồi yên một chỗ quá lâu, tay trẻ chưa đủ khéo để uốn cây bút viết chữ theo ý muốn. Không phải ngẫu nhiên mà có quy định 6 tuổi mới cho trẻ đi học. 6 tuổi là mốc tuổi trẻ đã có sự phát triển toàn diện về nhân cách, thể chất, tinh thần, độ khéo léo… thích hợp nhất cho việc học theo một chương trình đào tạo.

Cách tốt nhất để giúp con tự tin vào lớp 1 là dạy con học hàng ngày qua các trò chơi: cha mẹ chơi cùng con, cha mẹ mua đồ chơi phù hợp cho trẻ, cha mẹ tạo không gian vui chơi cho con cùng bạn bè, cha mẹ có thể đưa con đi chơi tại công viên, khu vui chơi dành cho trẻ… Có rất nhiều cơ hội vui chơi cho trẻ ở bất cứ đâu. Trò chơi vận động chạy nhảy cùng bạn bè, cha mẹ, trò chơi trí tuệ (xếp hình, vẽ tranh…), trò chơi giải trí (xem phim, nghe ca nhạc, hát, múa…)… Thông qua các hoạt động vui chơi đa dạng phong phú, trẻ sẽ học được nhiều điều hay: gần gũi cha mẹ, hợp tác với bạn bè, luyện khéo léo cơ thể (nhất là đôi bàn tay), khỏe mạnh, vui vẻ…

Nguồn bài viết : XS Thần tài Thứ Ba

Top